Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Tgp Sai Gon: thanh le cau cho Cong ly & Hoa binh tren bien Dong (bai giang, hinh/ 1 nhan xet)

Bài giảng Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hoà bình

 Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc

THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN
CHO CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

(Col 3,12-15 ; Mt 5,1-12)
Anh chị em rất quý mến,
1. Chúng ta tập họp nhau lại đây, khá đông đảo, để cầu nguyện cho công lý và hòa bình. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, ban Chúa Thánh Thần xuống trên cộng đoàn phụng vụ của chúng ta, trên toàn thể Giáo hội tại Việt Nam, để chúng ta có thái độ đúng đắn, khôn ngoan, trong hoàn cảnh rất tế nhị của Quê hương Đất nước chúng ta hiện nay. Cũng là dịp để chúng ta biểu lộ lòng yêu mến Quê hương Đất nước.

2. Có người sợ 2 chữ Công Lý, vì họ đồng hóa Công Lý với “sự trừng phạt”. Người khác sợ 2 chữ Công lý, vì họ đồng hóa Công Lý với sự “tranh đấu bạo động”, thậm chí với sự “khủng bố trả thù”. Nhưng dưới ánh sáng của Mạc khải, người Công Giáo không bao giờ chấp nhận một thứ “công lý báo thù” trình diễn trong phim ảnh hoặc xảy ra trong xã hội. Các sách Tân Ước cũng không đồng hóa Công lý với Trừng phạt. Trái lại Công lý của Kitô giáo là Công lý của Lòng Xót Thương, Công lý bắt nguồn từ “Lòng Xót Thương của Thiên Chúa”, Đấng mà bản chất là “Yêu thương”. Như lời thư Colôsê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.” (Col 3, 12). Như lời sách Phúc Âm theo Thánh Mát Thêu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7).
3. Công lý Kitô giáo, là sự công chính hóa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Rm 3,22), do ân huệ Thiên Chúa ban không; nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu (x. Rm 3,23). Theo Thánh Kinh, ai khao khát Công lý, là khát khao nên người công chính, và sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng (x. Mt 5,6). Lịch sử Cứu Độ là Lịch sử Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng đã sẵn sàng tha thứ cho mọi tội lỗi của loài người, và đã sai Con Một đến trần gian chịu chết để chuộc tội, hòa giải mọi người với Thiên Chúa và với nhau. Kết quả là sự Bình An mà Chúa đã hứa với các Tông đồ: “Thầy để lại Bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em Bình an của Thầy.” (Ga 14,27). Bình an là kết quả của Ơn Tha tội; vì thế Chúa Giêsu cũng như các Tông đồ đều nhấn mạnh sự tha thứ: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” (Col 3,13). Đã đến lúc mọi người Việt Nam chúng ta tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau.
4. Bình an là một “Ân huệ”, nhưng cũng là một thực tế cần phải xây dựng. Đó là một trong Tám mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu rao giảng: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9). Những người con cái của Thiên Chúa là những con người của hòa bình, những sứ giả của hòa bình, đi đến đâu cũng đều rao giảng hòa bình, gieo mầm mống của hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Chúng ta giống Thiên Chúa, khi chúng ta yêu thương. Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Trên hết mọi đức tính, anh em hãy có “lòng bác ái”: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (x. Col 3,14).
5. Chiến tranh là điều “vạn bất đắc dĩ”, khi không còn cách nào khác để bảo vệ Quê hương Đất nước. Đó không phải là giải pháp tối ưu, nhưng là một điều xấu không thể tránh được (malum inevitabile). Chỉ có những ai hiếu chiến, xâm lược mới coi chiến tranh là giải pháp tối ưu, và dùng sức mạnh quân sự để đe dọa những người yếu thế hơn. Những người yếu thế, thì không còn cách nào khác, ngoài sự nương tựa vào bạn bè để chống lại những “thế lực ức hiếp muốn đè bẹp mình”. Những người Công Giáo chúng ta phải biết nương tựa vào Chúa, vì chỉ có Chúa mới là thành lũy vững chắc, là “Đá tảng vững bền muôn đời tồn tại”. Một thái độ sâu sắc và hợp tình hợp lý hơn nữa là “cầu xin Thiên Chúa thay lòng đổi dạ” những người đang nắm vận mệnh thế giới. Chúa là Thiên Chúa “Sáng Tạo” cũng là Thiên Chúa của Lịch Sử. Ngài là Alpha và là Ômêga, là Khởi Nguyên và là Cùng Đích, là Thiên Chúa Toàn năng. Mọi sự đều nằm trong tay Người, và không có gì mà Người không làm được.
Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, thứ Năm ngày 22.05.2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn
---------------
(Nguon: tgpsaigon.net)
---------------
Xem hinh: TAI DAY
------------
Nghe bai hat: Nu Vuong Hoa binh, ca doan Sao Mai trinh dien
 (Day cung la bai hat ket le 22/5/2014)

NU VUONG HOA BINH

2 nhận xét:

  1. Tản mạn: Thời cuộc làm mai một lòng yêu nước? (letan)
    Thuở thiếu thời, lúc còn cắp sách đến trường- qua môn văn và GD-CD- tôi được dạy rằng “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” = nước nhà thịnh suy hàng cùng đinh có trách nhiệm.
    Trưa hôm 22/5/2014, trong lúc chờ lấy xe sau khi tham dự lễ ở nhà thờ Đức Bà "Cầu nguyện cho Công lý & Hòa bình ở Biển Đông", tôi nói vui với mấy chị mấy xơ đứng gần: “Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh”. Mấy chị nhìn lại tôi cười mỉm. Câu nói đó tôi cũng học được thuở thiếu thời, sau này có người dùng nó để ca ngợi đội quân tóc dài.
    Riêng về thánh lễ hôm đó không hiểu quý ông đi đâu mà 4/5 số người tham dự là quý bà quý cô.
    Điều tôi được dạy ngày đó đúng thôi: yêu nước đâu phải chuyện riêng của mấy đấng mày râu, chuyện riêng của những kẻ sỹ hay chuyện riêng của những bậc thức giả! Lòng yêu nước đâu phải món hàng xa xỉ dành riêng cho những chính khách!
    Chị Triệu Trinh Nương (225-248), năm 19 tuổi khi có người hỏi về việc chồng con, đã nói:
    - Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!
    Người xưa thì vậy, người nay thì sao? Tôi thấy lòng yêu quê hương xứ sở dường như đang bị mai một đi nơi người dân Việt nói chung và người Công giáo nói riêng. Tôi nghĩ có nhiều lý trấu lý do dẫn đến nỗi lòng đó:
    - Chủ nghĩa tôn sùng vật chất và hưởng thụ cá nhân thường chiếm ưu thế,
    - Phụ mẫu hay hắt hủi con dân,
    - Sự nghèo đói làm miếng cơm manh áo trở nên khó khăn với bao người lao động, bao nông dân không đất trong khi nhiều người giàu lên quá nhanh bởi tham nhũng và lợi ích nhóm.
    - Quê đã nghèo lại còn bạc bẽo khiến người ta phải dứt áo ra đi để "cày cuốc" ở phương xa, làm dâu ở phương xa, "ve sầu" phương xa (cave),
    - Yêu nước nhiều khi phải khổ sở vì trại giam,
    - Vân vân…
    Sau khi dự lễ xong, ngoài lời cảm ơn và bó hoa của đại diện Hội dòng Ba Cát Minh, tôi không thấy có tiếng nói đại diện cho người tham dự thánh lễ.
    Trước đó nữa, khi HĐGM VN đưa ra bức thư về tình hình Biến Đông, tôi cũng không thấy đại diện các hội đoàn Công giáo VN lên tiếng phúc đáp.
    Vì vậy, với tư cách cá nhân người tín hữu công giáo VN, tôi tuyên bố:

    Trả lờiXóa

  2. Vì vậy, với tư cách cá nhân người tín hữu công giáo VN, tôi tuyên bố:

    a- Hoàn toàn ủng hộ lập trường yêu nước của HĐGM VN, hưởng ứng lời kêu gọi trong thư, tôi hứa tha thiết cầu nguyện cho tổ quốc và tích cực dấn thân xây dựng nền hòa bình cho trần thế, xây dựng và bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Tôi cũng xin mọi người chuyên cần cầu nguyện, xin Đấng Toàn Năng chiếu rọi ánh Công lý Hòa bình vào tâm trí những người đang nắm trọng trách ở hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc.
    b- Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan dầu xâm lấn vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tôi yêu cầu nhà nước Việt Nam- người chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc- phải có đường lối và giải pháp đúng đắn kiên định buộc giàn khoan này rút đi, trả lại sự bình yên ban đầu cho vùng biển.
    c- Tôi kêu gọi mọi người dân Việt- trong đó có người Công giáo Việt- cùng nhau đoàn kết giúp nước nhà vượt qua khó khăn; Thể hiện lòng kính mến Chúa và lòng yêu người yêu quê hương đất nước bằng hành động cụ thể thiết thực; Biết và đòi những quyền căn bản cho mình, biết và thi hành đầy đủ những nghĩa vụ chính của mình theo Giáo huấn Xã hội và theo Hiến pháp; Hết sức tôn trọng người Hoa, người Việt gốc Hoa đang sinh sống và kinh doanh ở Việt Nam; Không kỳ thị dân tộc, không kỳ thị lương giáo, không kỳ thị chính kiến.
    d- Tôi kêu gọi và đề nghị các nhà lãnh đạo đất nước tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người được thể hiện trong Hiến chương LHQ và trong Hiến pháp Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để người dân hăng hái biểu lộ lòng yêu nước bằng những cuộc mít tinh, tuần hành trong ôn hòa, trật tự.
    e. Dân tộc và đất nước Việt Nam chỉ độc lập, cường thịnh, thái bình và trường tồn khi mọi dân người đều có lòng yêu quê hương và nỗ lực dựng xây quê hương. Chí khí hào hùng của cha ông chỉ được tiếp nối trong hoàn cảnh đất nước hưng thịnh thái bình chứ không phải lạc hậu triền miên. Người dân chỉ gắn bó và yêu quê hương xứ sở khi quyền con người thiêng liêng của họ được tôn trọng và bảo đảm, khi sức sống- sức sản xuất của họ được cởi trói, khi nền văn hóa hôm nay kế thừa được những tinh hoa của dân tộc trên cơ sở tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại. Việt Nam chỉ trở thành bạn của những quốc gia, bạn của những dân tộc văn minh tiến bộ- và sẽ được những bạn bè đó ùng hộ- khi người dân Việt được hưởng và được sống trong nền văn minh tiến bộ.
    Trong thành tâm và nhiệt huyết, tôi ước vọng mọi người sẽ làm những điều tốt đẹp nhất cho tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau.
    ------------------------------------
    (Viết tại Sài Gòn tối 23/5/2014. Bổ túc phần (e) sáng 28/5/2014- tác giả blog)

    Trả lờiXóa