Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

VÀ CÁC ÔNG Ở LẠI VỚI NGÀI (Chia sẻ: Lời Chúa )

VÀ CÁC ÔNG Ở LẠI VỚI NGÀI

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM B (06/05/2012)
[Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8]

Phần đầu của đầu Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Ga 15, 1-8), Thánh Gioan thuật lại cho chúng ta lời của Chúa Giêsu dùng hình ảnh ngụ ngôn của cây nho và cành dính liền với cây nho. Đây là hình ảnh sau cùng nói lên điều kiện thiết yếu để có một tương lai kết quả rực rở cho sứ mạng mà Chúa Giêsu ủy thác cho các Tông Đồ. Ủy thác sứ mạng cho các ông, để trấn an các ông, Chúa Giêsu hứa là Ngài sẽ không để các ông mồ côi: "Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ trở lại cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa thế gian không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em. Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ ra cho người ấy thấy" (Ga 14, 18-21).

Chúa Giêsu cũng hứa sẽ ban cho các ông Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi (Consolator) đến ở với các ông và hổ trợ các ông: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng An Ủi khác, đến và ở với anh em luôn mãi. Đó là Thánh Thần của sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng không biết Người" (Ga 14, 16-17). "Đấng An Ủi đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14, 26).

Và rồi Chúa Giêsu mở rộng cửa cho các môn đệ thấy viễn ảnh huy hoàng của sứ mạng tông đồ của các ngài: một cuộc sống sung mãn, đem lại nhiều kết quả, nếu các ông "ở lại với Người", nếu các ông "gắn chặt vào Người ", như cành nho gắn chặt và thông hiệp với sức sống của cây nho: "Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng vậy, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành" (Ga 15, 2-5).

Hình ảnh cuộc sống đồng áng, cảnh người gieo kẻ gặt, cây nho và cành nho không phải là hình ảnh mới lạ được Chúa Giêsu dùng để nói về sứ mạng tông đồ của các môn đệ trong Phúc Âm hôm nay. Hình ảnh trên đã được Chúa Giêsu hàn huyên với các môn đệ ở đất Samaria, khi Ngài báo cho các ông là kết quả việc tông đồ của các ông là đem lại sự sống đời đời cho con người: "Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi cho cuộc sống muôn đời, và như thế cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng…Thầy sai anh em đi gặt những gì anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả, còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ" (Ga 4, 36-38).

Và trước giờ chịu tử nạn sắp đến, Chúa Giêsu dùng một ngụ ngôn rất ngắn ngủi để nói về Ngài và về số phận truyền giáo của các tông đồ: "Thật vậy, Thầy bảo thật anh em: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trụi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12, 24). Và rồi đoạn Phúc Âm hôm nay (Ga 15, 1-8) là phần đầu của chương 15 Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên cách hành xử phải có của một người tông đồ, nếu muốn cho công cuộc truyền giáo của mình có kết quả đem lại "đời sống đời đời" cho anh em: "Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng vậy, nếu anh em không ở lại trong Thầy" (Ga 15, 5).

Nêu lên điều kiện tiên quyết đó, người tông đồ phải gắn liền với Chúa Giêsu, như "cành nho gắn liền với cây nho, hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em", Chúa Giêsu cũng tiên báo những khó khăn đang đợi các tông đồ trên bước đường truyền giáo của các ông: "Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước. Nhưng anh em không thuộc về thế gian, vì Thầy đã chọn anh em, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em" (Ga 15, 18). "Họ sẽ khai trừ anh em ra khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình thờ phượng Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha, cũng chẳng biết Thầy" (Ga 15, 19; 16,2).

Hứa không để các môn đệ mồ côi, hứa ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi đến ở với các môn đệ và hỗ trợ các ông, mở rộng ra viễn ảnh huy hoàng cho thấy công việc của các ngài là công việc đem lại sự sống đời đời cho nhân loại và tiên báo những khó khăn phải gặp trên bước đường truyền giáo, Chúa Giêsu nói lên cách sống phải có trong khi thực hành sứ mạng tông đồ: luôn luôn liên kết mật thiết với Chúa Giêsu như cành nho gắn liền và thông hiệp đời sống của cây nho. Vườn nho đây không phải là vườn nho của Chúa Giêsu, mà chính là Chúa Giêsu cùng với các cành liên kết với Ngài. Chúa Giêsu và tất cả các môn đệ " gắn liền và thông hiệp với Ngài " là vườn nho của Chúa Cha, những ai được Chúa Cha ủy thác ( apostellus) cho sứ mạng cứu rỗi để cứu nhân loại.

Viết Phúc Âm để nói lên lòng tin mãnh liệt của mình, chứng minh lòng tin đó và dạy cho các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên niềm tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể đem đến sự sống đời đời cho nhân loại, như đã viết trong Lời Tựa của Phúc Âm (Ga 1, 1-18), Thánh Gioan lập lại một cách ngắn gọn khi đến viếng mộ Chúa Giêsu Phục Sinh: "Ông đã thấy và tin" (Ga 20, 8). Hay ở một đoạn khác, sau khi những cảm xúc mãnh liệt đầu tiên được biết Chúa Giêsu sống lại đã qua đi, Thánh Gioan cắt nghĩa rỏ ràng hơn: "Còn những điều đã được ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Ki Tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống, nhờ danh Người" (Ga 20, 31).

Đặt những lời huấn dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay về cây nho và cành nho gắn liền với cây nho trong nhãn quan vừa kể, chúng ta sẽ tự hỏi "cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng vậy, nếu anh em không ở lại trong Thầy" (Jn 15, 5), có nghĩa là gì? Đối với Thánh Gioan, đức tin không phải tin để mà tin, mà "để anh em tin mà được sống nhờ danh Người". Đó cũng là ý nghĩa sâu xa của Kinh Tin Kính bằng La Ngữ chúng ta thường đọc: "Credo in Unum Deum, Patrem Omnipotentem".

Nguyên bản La Ngữ của Giáo Hội không viết "Credo Unum Deum, mà là Credo in Unum Deum". Túc từ trực tiếp Unum Deum được một tiền trợ từ (préposition) "in" dẫn nhập để chỉ động từ "tin, Credo" diễn tả một tác động đi vào trong, hội nhập vào trong túc từ đối tượng. Ý nghĩa của Kinh Tin Kính chúng ta đọc không phải chỉ là "Tôi tin kính Một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng" có Chúa hay không có Chúa là Cha Toàn Năng cũng được, mà là "Tôi tin cậy và phó thác vào Một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng", như thái độ của hai người tình thương yêu nhau, như thái độ hoàn toàn phó thác của đứa bé trong cánh tay người mẹ.

Lòng tin cậy và phó thác đó bàn bạc trong suốt Phúc Âm Thánh Gioan. Ngài đã nói lên tâm hồn đó ở chương 1, ngay sau khi tuyên bố Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là sự sống và là ánh sáng cho thế gian ở Lời Tựa (Ga 1, 1-18), lúc Ngài tường thuật lại hai môn đệ đầu tiên bỏ Thánh Gioan Tẩy Giả đi theo Chúa Giêsu: "Hôm sau ông Gioan lại đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Đây là Con Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại thấy hai ông đi theo mình, thì hỏi: Các anh tìm gì vậy? Họ đáp: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Người bảo họ: Đến mà xem. Họ đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Ga 1, 31-34).

"Họ đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm đó". Vấn đề của một môn đệ, của người tín hữu Chúa Ki Tô không phải chỉ là tin hay không tin có Chúa hay không có Chúa cũng được, " Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng", mà là "Tôi tin cậy và phó thác vào một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng". Nói cách khác, người tín hữu hay môn đệ Chúa Ki Tô không những tin, mà còn tiếp tục tin, luôn luôn tiếp tục niềm tin của mình rộng mở đón nhận và thông hiệp đời sống thần linh mà Chúa Giêsu rộng mở thông ban cho chúng ta, chính mạch sống thần linh, nguồn hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, như Thánh Phêrô đã dạy chúng ta: "Chính nhờ vinh quang và sức mạnh ấy (của Chúa Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1, 4).

Bởi vì chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là sự sống và là ánh sáng của chúng ta: "Đàng, sự thật và sự sống, chính là Thầy" (Ga 14, 6). Hiểu được như vậy, chúng ta hiểu ý nghĩa Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng các ngài là những người gặt
"thu hoa lợi cho cuộc sống muôn đời" (Ga 4, 36), bởi vì nhờ các ngài, những nhân chứng, thừa tác và giảng dạy Phúc Âm, Tin Mừng Cứu Rỗi, mà bao nhiêu người sẽ được hội nhập qua các ngài vào cuộc sống hạnh phúc thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Và vì hoa quả của môn đệ Chúa Kitô và các Kitô hữu, con cái của các ngài trong đức tin, sinh ra được là đem đến cuộc sống đời đời, đời sống thần linh của Chúa Ba Ngôi cho người khác, nên nếu chúng ta không gắn liền và thông hiệp với Chúa Giêsu "là đàng, là sự thật, là sự sống", không thể nào chúng ta có thể đem đời sống Thiên Chúa cho người khác được. Đó là ý nghĩa tại sao Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành" (Ga 15, 4-5).

Một ý nghĩ sau cùng, chúng ta cần xác định để tránh ngô nhận. Trong câu "Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em", Chúa Giêsu dạy các môn đệ Ngài là giữa Ngài và các môn đệ phải có sự gắn liền, hiệp thông, "ở lại" (menein) trong nguồn sống thần linh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng tư tưởng Thiên Chúa Giáo khác với quan niệm hiệp thông hòa đồng của một vài luồng tư tưởng triết học, nhất là triết học đông phương. Theo quan niệm hiệp thông hoà đồng vừa được đề cập, bản ngã của con người chúng ta sẽ hòa tan vào Đại Ngã của Đấng Tối Cao khi chúng ta hiệp thông với Ngài, như một giọt nước hòa tan trong Đại Dương.

Trong quan niệm nhân vị của Thiên Chúa Giáo, mỗi người chúng ta là một nhân vị, một đứa con được Thiên Chúa sinh ra với tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ và đặc tính của mỗi người. Mặc dầu chúng ta được Thiên Chúa ban cho chúng ta hưởng hạnh phúc bất diệt, tham dự vào chính đời sống thần linh mà Ngài đang sống, hay "bản tính thần linh của Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), chúng ta vẫn có nhân vị và cá tính một đứa con của Ngài.

Con người của chúng ta không thể hoà lẫn tan biến trong con người của người khác, càng không thể tan biến trong " Đại Ngã" của Thiên Chúa. Chúng ta thông hiệp với Thiên Chúa, nhưng chúng ta vẫn có cá tính nhân vị của mỗi con người, của mỗi đứa con. Đó là những gì cho phép chúng ta hãnh diện, hằng ngày nói chuyện với Chúa: "Lạy Cha chúng con ở trên trời!".

Nguyễn Học Tập

(Nguon:daobinhducme.net)
________________________________________

Chuyện vui: trong thánh lễ kia, đến phần nguyện kinh “Lạy Cha”, chủ tế mới cất: “Lạy Cha” thì cộng đoàn đã mau mắn tiếp luôn: “chúng con ở trên trời”!
(Đúng ra thì phải chờ cho chủ tế cất hết câu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” rồi cộng đoàn mới tiếp vào, ý nghĩa lời kinh mới không bị hiểu sai vì chúng ta đang ở dưới đất)

*. Viết thêm vào thứ Tư 9/5/2012

- Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 15, 1-8) cũng là Bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 PS vừa rồi. Cùng là 1 bài nhưng Chúa Nhật rồi, tôi cũng nghe, đọc, đọc cả đôi bài suy niệm nhưng không thấy gì khó hiểu. Sáng nay, thứ Tư, nghe lại thì trong đầu lại gợn lên những lăn tăn.

(4) Hãy ở lại trong Thầy
như Thầy ở lại trong anh em.
Cũng như cành nho không thể
tự mình sinh hoa trái,
nếu không gắn liền với cây nho,
anh em cũng thế,
nếu không ở lại trong Thầy
(5) Thầy là cây nho, anh em là cành.
Ai ở trong Thầy
và Thầy ở lại trong người ấy
Thì người ấy sinh nhiều hoa trái,
vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được.(Ga 15, 4-5)

Tôi thắc mắc ở lại trong Thầy hoặc ở trong Thầy là như thế nào? Cây nho và cành nho thì còn dễ hiểu, dễ hình dung, nhưng ở lại trong Thầy thì thấy nó cứ mờ ảo thế nào đó. Khi Rửa tội, tôi được tháp nhập vào cây nho Chúa Jesus, tôi được ở với Chúa và được Chúa dưỡng nuôi. Các Bí tích khiến tôi kết hợp thêm với Chúa. Tội lỗi, trong từng giai đoạn, khiến tôi xa rời Chúa, cắt đứt nguồn mạch dưỡng nuôi tôi, đẩy tôi rời xa vòng tay yêu thương của Chúa.
Tại sao Chúa phải căn dặn các môn đệ và tất cả mọi người là phải ở lại trong Chúa? Phải chăng vì tôi hay có khuynh hướng lợi dụng sự tự do Chúa ban cho để thoát khoi quỹ đạo yêu thương của Chúa? Phải chăng vì hậu quả tội nguyên tổ luôn khiến tôi tự cao, cho rằng tự mình có thể trụ vững mà không cần tới Chúa? Phải chăng vì tôi hay quên Chúa, hay quên lều Hội Ngộ, mái nhà, cái nôi, cái tổ ấm êm của Chúa, hay quên Thánh Thể và Lời Chúa?
Nếu muốn ở lại trong Chúa, nghĩa là muốn được liền thân, liền cành với cây nho Chúa, trước tiên tôi phải ở với Thánh Thể,ở với Lời Chúa, hay nói cách khác là gắn với Thánh Thể, gắn với lời Chúa, tôi nghĩ vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét