Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Trích những Suy niệm Lời Chúa của Chúa Nhật 6 PS B, 13/5/2012


[Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8]
_____
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU VÀ SINH HOA KẾT TRÁI  
...  ...
+ Kết luận

Lời cáo biệt thường hàm chứa những lời nói hoặc những chỉ thị cuối cùng; chúng ta rất trân trọng các lời này và cố gắng thực hiện. Đức Giêsu vừa ký thác bí mật cuối cùng và quý báu nhất của trái tim Người; Người đã tâm sự về những điều thâm sâu nhất, đã diễn tả ra các lời nhắc nhở cuối cùng. Dường như Người muốn để lại cho các môn đệ di chúc thiêng liêng của Người. Điểm nổi bật là Người tha thiết nhấn mạnh trên tình yêu đối với nhau. Các môn đệ của Đức Giêsu là các “bạn hữu” của Người, được Người yêu thương cũng như Người được Cha của Người yêu thương, và Người muốn họ trở thành một cộng đồng tình yêu, trong đó mỗi người yêu thương nhau. Người không muốn các môn đệ chỉ biết loay hoay vun quén với nhau và cho nhau, làm thành một thứ Hội Thánh ấm cúng đóng kín, nhưng muốn chúng ta “ra đi và sinh được hoa trái, và hoa trái tồn tại”, vươn tới thế giới chung quanh chúng ta.

Ở tại trung tâm các lời này của Đức Giêsu, có sứ điệp liên hệ đến Chúa Cha. Khi các môn đệ được gặp lại Đức Giêsu Phục Sinh, các ông sẽ trải nghiệm về Thiên Chúa như là Cha và hiểu Người đã dành tất cả tình yêu và tất cả quyền năng của Người cho Con của Người.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Những gì Đức Giêsu vẫn ao ước cho tới giờ này, là đưa các môn đệ đến với Chúa Cha. Với cuộc Phục Sinh, công trình của Người đạt được một phẩm chất mới: Người sẽ loan báo về Chúa Cha công khai cho các môn đệ, chứ không che giấu nữa (16,25). Không phải là y như thể Người nói với họ về Chúa Cha với các lời mạc khải mới; trái lại chính họ phải đạt tới một khái niệm về Chúa Cha. Chúa Cha chính là nguồn mạch tình yêu từ đó Đức Giêsu đã phát xuất ra và quy hướng về đó, Đức Giêsu dẫn chúng ta về. Chúng ta chỉ có thể về tới đó nhờ giữ điều răn của Chúa Cha và cũng là điều răn của Đức Giêsu: yêu thương nhau.

2. Từ “điều răn” được Đức Giêsu sử dụng 4 lần nhằm cho thấy rằng “yêu thương” là một tuyệt đối, mà không ai được đặt thành vấn đề nữa. Đây là thực tại chính yếu, đây là mối lo lắng cốt yếu, đây là điểm bận tâm duy nhất của những ai tự hào mình thuộc về Đức Giêsu và đứng vào hàng ngũ những kẻ thừa kế thiêng liêng của Người. Nếu Đức Giêsu nhấn mạnh như thế, phải chăng là vì nguy hiểm, cũng là sự cám dỗ và sự sai lầm, chính yếu và thường xuyên nhất, đã từng đe dọa các môn đệ xưa kia cũng như sẽ đe dọa mọi thế hệ môn đệ tương lai, chính là tình trạng thiếu lòng yêu thương?

3. Chúng ta thường quá bận bịu với việc làm “tôi tớ” Thiên Chúa, “làm việc cho Đức Giêsu”, mà quên rằng Người muốn chúng ta trở thành “bạn hữu” của Người, muốn chúng ta yêu thương Người và được Người yêu thương. Nếu hiểu rằng ta là những mắt xích trong sợi xích tình yêu, một dây tương quan đi từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, từ Đức Giêsu đến với mỗi người, từ mỗi người đến với người khác, thì chúng ta sẽ đi từ một cuộc sống khắc khoải, cô lập, sang sự hiệp thông thánh thiêng. Khi đó, không cần phải nắm lấy, hoặc sở hữu đời sống này, y như thể hòng có được một chút tiện nghi thoải mái. Đời sống này dồi dào không mức độ. Thiên Chúa không cân đo Thánh Thần. Sống trong vòng lưu chuyển yêu thương này, thì không còn tôi tớ không biết đường lối của chủ, nhưng chỉ còn những người bạn an nhiên sống và hành xử trong tình yêu của Chúa Cha.

4. Nói với những con người đang sống trong một cuộc sống xô bồ, Đức Giêsu nhắc các bạn hữu Người nhớ lại một vài điểm căn bản. Đừng nghĩ rằng họ đang dùng sức họ để vào được một cuộc sống cao đẹp hơn, để mà tỏ ra ngạo mạn. Đừng nghĩ rằng họ đang biết phấn đấu hết sức mình, để mà tự hào tự phụ. Thật ra, họ đã được Chúa Cha và Đức Giêsu chọn làm một mắt xích trong chuỗi tình yêu. Và Chúa Cha không yêu cầu người ta làm những chuyện họ không được chuẩn bị trước. Nhưng cách chuẩn bị trước lại dường như không hào nhoáng gì đối với các môn đệ: “ở lại trong Đức Giêsu”, “ở lại trong tình yêu của Người” và “yêu thương nhau”. Chúng ta hãy để cho mình được bao trùm, được ấp ủ trong tình yêu của Người; như thế là đừng từ chối những gì Người ban tặng cho ta. Đây là cách quan trọng duy nhất để có thể ra đi và sinh được hoa trái.

Lm. Fx. Vũ Phan Long, ofm
(Nguon:daobinhducme.net)

YÊU THƯƠNG LÀ CỐT LÕI CỦA KI-TÔ GIÁO  
... ...


3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU CHO ĐI. Cụ thể là:

(a) Thiên Chúa Cha đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con Một Người cho nhân loại;

(b) Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, đã hiến mạng sống mình vì các môn đệ và mọi người và đã kết bạn với các môn đệ;

(c) Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa cho dù họ chưa được thánh tẩy bằng nước. Vì thế Thiên Chúa muốn chúng ta đáp lại Tình Yêu của Người bằng sống yêu thương bác ái với đồng loại.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY

4.1 Sống với Thiên Chúa là Tình Yêu nên Người mời gọi chúng ta sống kết hiệp với Người và sống bác ái yêu thương với đồng loại.

4.2 Thựcthi sứ điệp Lời Chúa là đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI:

Trước hết chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống cá nhân bằng một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su, với Thiên Chúa và thể hiện lòng Mến Chúa trên hết mọi sự.

Kế đến chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống gia đình bằng một đời sống hy sinh, phục vụ những người ruột thịt với một tình yêu vô vị lợi, không tính toán và giúp mọi người trong gia đình biết yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa dạy.

Sau cùng chúng ta đáp lại Thiên Chúa là TÌNH YÊU CHO ĐI trong đời sống cộng đồng và xã hội bằng một đời sống mình vìmọi người nhằm mưu ích chung cho mọi người, nhất là cho những người yếu kém nhất trong xã hội…



Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội
(Nguon:daobinhducme.net)

( Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.)

DẤU CHỨNG TÌNH YÊU LỚN NHẤT
….   ...

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Chúa Giêsu vừa cho chúng ta biết bí mật cuối cùng và quý giá nhất của tâm hồn Người. Trong một màn độc thoại dài "trước khi qua khỏi thế gian này mà về với Cha'', Người trút những tâm sự sau hết, nói lên những dặn dò cuối cùng; Người xem ra muốn để lại cho các sứ đồ một di chúc thiêng liêng. Thoạt nghe đoạn văn của diễn từ sau Tiệc ly này, điều đánh động chúng ta là việc Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tình yêu mà các sứ đồ cần có đối với nhau. Trong một đoạn rất ngắn như đây mà Người đã lặp lại chữ "lệnh truyền" bốn lần cả thảy. Như thế Người muốn nhắc nhở một điều tuyệt đối, không bao giờ được đặt lại vấn đề; như thể đó là thực tại chủ chốt, ưu tư thiết yếu, nỗi bận tâm duy nhất của những ai tự cho là thuộc về Người và đáng được vào số những kẻ thừa kế thiêng liêng của Người.
2) Việc nhấn mạnh này của Chúa Giêsu làm chúng ta bối rối lắng lo. Phải chăng Người không muốn qua đó nói rằng: nguy hiểm chính yếu luôn rình rập nhóm sứ đồ rồi những người sẽ trở nên môn đồ quanh họ, rồi tất cả những ai trong các thế hệ kế tiếp sẽ được quy tụ trong cộng đoàn những kẻ tin vào Chúa Giêsu Phục sinh, chính là sự thiếu tình yêu. Điều này cũng là cám dỗ thường xuyên nhất là có lẽ là sai lầm thường gặp nhất.

 3) Có lẽ! Vì dù sao, xét lại thái độ hiện thời của chúng ta và những nứt rạn mà mỗi thế hệ không ngừng tạo ra trong sự duy nhất của thân thể Chúa Kitô, chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Kitô đã chẳng quá nhấn mạnh. Không cần phải nói đến gương xấu của việc các Giáo hội ly khai, những mối bất hòa lớn lao trong mỗi Giáo hội, hay biết bao tranh chấp của các phong trào ngay trong mỗi Giáo hội địa phương; không cần phải xét đến những gì xảy ra chung quanh chúng ta mà thực sự không tùy thuộc chúng ta, chỉ cần mỗi người hãy nhìn đến mình là đủ, vì mỗi người chỉ có trách nhiệm về chính mình, về phương cách: để tuân giữ lệnh truyền của Chúa Giêsu, chúng ta yêu mến thế nào? Dù trả lời ra sao đi nữa, thì mỗi một người, nếu thành thật, đều biết mình có thể tiến bộ hơn. Để được như vậy, phải nghe Chúa. Người vừa nói với chúng ta: "Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu các ngươi". Mẫu gương của tình yêu chính là Người. Thành thử phải đọc lại Tin mừng, khám phá trong mỗi lời nói, mỗi hành vi của Chúa Giêsu, làm sao đã tỏ lộ cái tình yêu hằng có trong Người, để biết được chúng ta phải cư xử thế nào đến phiên chúng ta. Đừng mất công tìm đâu xa; trong diễn từ mới nghe lúc nãy, Chúa cho chúng ta thấy quá rõ Người yêu mến ra sao.
4) Ngay từ đầu cuộc đàm đạo; Người đã bảo chúng ta: "Hãy lưu lại trong tình yêu của Ta" sau khi quả quyết: "Ta đã yêu các ngươi". Người không đòi hỏi chúng ta đáp trả tình yêu của Người đối với chúng ta, không đòi hỏi chúng ta yêu mến Người. Người chỉ xin chúng ta hãy lưu lại, hãy để mình bị bao bọc, để mình chìm đắm trong tình yêu mà Người đang bao phủ chúng ta và đừng làm gì phá vỡ việc lưu lại ấy. Điều tùy thuộc chúng ta là đừng chối từ những gì Người ban cho chúng ta. Người bảo dấu hiệu cho biết ta lưu lại trong tình yêu Người là tuân giữ lệnh truyền Người, một điều thực ra không liên hệ tới Người. Lệnh truyền của Người, ấy là đến phiên chúng ta yêu thương kẻ khác; như thể Người không muốn tình yêu Người ban trở về lại với Người, nhưng đổ tràn trên kẻ khác; tình yêu Người biểu lộ như thế sánh được với một con sông luôn tuôn chảy, chẳng bao giờ trở lại về nguồn. Xa hơn Người sẽ nói: "Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống vì bạn hữu”. Tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta không giống tình yêu của chúng ta, thứ tình yêu luôn thắc mắc về sự đáp trả nó nhận được: sự đáp trả này đã đủ chưa? Có thành thật và không giả hình chăng? Có bền vững chăng? tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu luôn tiến tới, không chờ đợi đáp trả tí nào. Đó là tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu không trở lại với chính nó. Nó phong phú luôn mãi; đấy là lý do giải thích mềm vui của Chúa Giêsu mà Người có đề cập chỗ khác: "Cho thì vui hơn nhận" (Cv 20,35).

(Nguon: Tiểu Ban Giáo Lý Dự Tòng Tgp SG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét