Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

GX An Nhơn: HỌC HỎI VỀ ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN GIA ĐÌNH (bài, hình)


GX An Nhơn đã tổ chức buổi học hỏi về mục vụ gia đình vào chiều tối thứ Năm 31/10/2013. Gần 200 người là các bậc cha mẹ trong Gx An Nhơn và trong các hội đoàn của giáo hạt Xóm Mới đã đến tham dự. Một số nữ tu và một số anh chị ban Liên lạc MV GĐ, ban thừa tác viên HN GĐ các giáo hạt lân cận cũng đến tham dự.
Cha Phao-lô Nguyễn Quốc Hưng, chính xứ An Nhơn đã giới thiệu 2 thuyết trình viên là cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, trường ban MV GĐ Tgp Sài Gòn và cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, trưởng tiểu ban Nghiên Huấn Ủy ban MV GĐ trực thuộc HĐGM VN
Phần 1: Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn trình bày đề tài: Gia đình Ki-tô  : CÁNH CỬA ĐỨC TIN CHO ĐÔI VỢ CHỒNG. Cha nêu lên 1 số thực trạng HN GĐ ngày nay để mọi người ý thức hơn về sứ vụ của các gia đình Công giáo.

“Tương lai xã hội ngang qua các gia đình. Gia đình là Giáo hội tại gia. Gia đình là cái nôi của sự sống…” Giáo hội rất quan tâm đến các gia đình, thư chung của HĐGM VN đã nhấn mạnh năm nay là năm Tân Phúc âm hóa các gia đình. Thượng hội ĐGM thế giới sẽ có phiên họp bất thường trong năm 2014 về chủ đề “Những thách đố trong công tác MV GĐ”
Cha Luy cho biết tỷ lệ ly hôn- tái hôn dân sự trên thế giới trong thập niên 70 vào khoảng 10%, thập niên 90 tăng lên 30% và hiện nay tăng lên 40 -> 50%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là trên 50% và ở VN là trên 30%. Tỷ lệ ly dị tuy có thấp nhưng VN lại là 1 trong những nước phá thai nhiều nhất, đặc biệt ở 2 Tp lớn là Hà Nội và HCM, cứ bao nhiêu trẻ được sinh ra thì cũng có khoảng bấy nhiêu bào thai bị phá hủy. Người ta thản nhiên xâm phạm quyền sống của những người không có khả năng tự vệ.
Hiện nay có 14 nước, trong đó có Pháp, đã công nhận hôn nhân đồng giới. Người ta tự hỏi: HN như vậy làm sao có con và nếu có con nuôi thì những người con đó sẽ nghĩ về gia đình mình như thế nào? Chúng ta không loại trừ hay khinh bỉ những người ly dị hay đồng giới nhưng phải bảo vệ luật tự nhiên của Thiên Chúa, có mục vụ riêng cho họ và có cho họ kết hôn hay không là 2 vấn đề khác nhau. Nguyên nhân dẫn đến những người giới thứ 3 như vậy thường do những trục trặc, những bất ổn nơi gia đình họ được sinh ra…
-          Chứng từ của anh Khoa và chị Phượng, cặp vợ chồng sinh hoạt trong cộng đoàn Emmanuel: Chị Phượng là bổn đạo mới, quen anh Khoa năm 2004, chị đã Rửa tội và làm đám cưới năm 2012. Đầu tiên chị theo anh đến dự lễ ở các nhà thờ, dần dần chị thấy tâm hồn mình thư thái, có thể thổ lộ với Đấng Tối Cao những tâm tình rất riêng tư. Cưới nhau một thời gian thì những khó khăn xuất hiện, công việc gạo tiền chi phối đâm ra nhàm chán nhau, dễ thấy khuyết điểm của nhau, rồi những dồn nén tích tụ tạo thành mâu thuẫn xung đột. Trong 1 lần căng thẳng tưởng đi đến đổ vỡ, anh Khoa bảo 2 người cùng nắm tay nhau đọc kinh Lạy Cha, chị cũng đọc miễn cưỡng cho xong không ngờ lời kinh làm chị dịu xuống và họ cùng bình tâm tiếp tục vun đắp hạnh phúc gia đình….Chị nhận thấy không phải con người thay đổi mà vì hoàn cảnh thay đổi nên con người phải thay đổi theo. Chị thấy mình đã cố gắng bớt nói để chồng có thể bộc bạch nhiều hơn, điều chị chưa đạt được là cố gắng lắng nghe mà không phán xét. Niềm tin vào Chúa qua giờ kinh sáng tối giúp gia đình anh Khoa chị Phượng vượt qua mọi sóng gió…
Được biết cộng đoàn Emmanuel có mặt ở VN đã 14 năm, sinh hoạt buổi tối ở GX Tân Định.
Phần 2:  Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ trình bày đề tài: Gia đình Ki-tô  : CÁNH CỬA ĐỨC TIN CHO CON CÁI. Cha đã trích đọc và giải thích lại một số đoạn trong Tông huấn về Gia đình năm 1981 và trong bài giảng của ĐTC Phanxicô nhân kết thúc cuộc hành hương của các gia đình tại Rô-ma trong năm Đức tin.
“Hôn nhân và gia đình Ki-tô giáo xây nên Hội Thánh. Thật vậy, trong gia đình, nhân vị không phải chỉ được sinh ra và dần dần nhờ giáo dục được dẫn vào trong cộng đồng nhân loại mà thôi, nhưng nhờ tái sinh qua phép rửa và nhờ sự giáo dục đức tin, ngôi vị ấy cũng được dẫn vào trong gia đình của Thiên Chúa là Hội Thánh.Gia đình nhân loại, bị phân hoá vì tội lỗi, được phục hồi trong sự hiệp nhất của nó nhờ quyền năng cứu chuộc do cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Nhờ tham dự vào hiệu năng cứu độ của biến cố ấy, hôn nhân Ki-tô giáo trở thành môi trường tự nhiên để cho nhân vị được hội nhập vào trong đại gia đình Hội Thánh.” (Tông huấn TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi các Giám mục, Linh mục và các tín hữu trong khắp Hội Thánh Công Giáo về các nhiệm vụ của gia đình Ki-tô hữu trong thế giới ngày nay)
“ Kinh nguyện của người thu thuế là kinh nguyện của người nghèo, và là kinh nguyện làm hài lòng Thiên Chúa, như bài đọc thứ I đã nói, kinh nguyện ấy ”bay tới mây trời” (Hc 35,20) trong khi kinh nguyện của người biệt phái nặng nề vì những kiêu căng thừa thãi.
Hỡi các gia đình thân mến, dưới ánh sáng Lời Chúa, tôi muốn hỏi anh chị em: thỉnh thoảng anh chị em có cầu nguyện trong gia đình không? Tôi biết một số gia đình có cầu nguyện chung. Nhưng cũng có nhiều người nói với tôi: mà làm sao cầu nguyện chung? Vì dường như kinh nguyện là chuyện cá nhân, vả lại chả bao giờ có lúc thuận thiện, yên tĩnh.. Đúng thế, nhưng vấn đề ở đây là khiêm tốn, nhìn nhận rằng chúng ta cần Thiên Chúa, giống như người biệt phái! và cần có sự đơn sơ! Cùng nhau đọc kinh ”Lạy Cha” quanh bàn ăn, ta có thể làm được. Và cầu nguyện chung với kinh Mân Côi trong gia đình, đó là điều thật đẹp và mang lại bao nhiêu sức mạnh! Và cầu nguyện cho nhau! Chồng cầu cho vợ, vợ cầu cho chồng, cả hai cầu cho con cái, và con cái cầu cho cha mẹ, ông bà. Cầu nguyện cho nhau, đó là cầu nguyện trong gia đình, và điều làm cho gia đình mạnh mẽ chính là lời cầu nguyện.” (Bài giảng của ĐTC Phanxicô
ngày 27/10/2013 trước khoảng 175 ngàn tín hữu đến từ 75 quốc gia khác nhau)
-          Chứng từ của anh Quân và chị Thay ở phong trào Gia Đình Cùng Theo Chúa, anh chị cưới nhau được hơn 21 năm và có 4 cháu gái. Chị chia sẻ, khi anh chị đi làm công tác cho hội đoàn thì con cái anh chị cũng được GX chăm sóc. Chị có may mắn được thừa hưởng truyền thống sùng đạo từ gia đình. Lúc nhỏ được mẹ dẫn đi lễ, lớn lên thì say mê học hỏi Lời Chúa và Lời Chúa như chỉ nam soi đường và giúp thắng dẹp mọi tính xấu. Chị nghĩ Đức tin của chị được chuyển giao từ gia đình thì chị cũng phải chuyển giao Đức tin đó lại cho con cái của mình. Khi mang thai chị thường đi nghe giảng Lời Chúa, sanh con rồi thì bế con đi để 2 mẹ con cùng nghe. Chị thao thức với Lời Chúa và sau này khi con chị trở thành GLV thì cháu cũng rất thao thức với Lời Chúa, thao thức để dạy các em tìm gặp Chúa. Thời đại thông tin, nếu không được định hướng mọi người sẽ dễ dàng lây nhiễm nhiều thói xấu từ các phương tiện truyền thông, nên chị phải kiên quyết giúp con giới hạn nhiều chương trình trên truyền hình và máy tính.
Anh Quân bổ sung thêm: vì con của mình cũng là con của Chúa nên cha mẹ có trách nhiệm giúp con đến với Chúa, giúp con ưu tiên chọn Chúa trước, như vì học thêm mà phải bỏ học giáo lý thì phải xem xét lại ngay. Gia đình có những khó khăn nên chia sẻ cho con cái biết và sau này khi khó khăn qua đi, dạy con biết nhìn lại để cùng tạ ơn Chúa. Cha mẹ cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương mình thế nào phải truyền lại cho con cảm nghiệm đó. Bằng cách hết sức yêu thương con để chúng thấy rằng cha mẹ là người bất toàn mà còn thương yêu con như vậy huống hồ Cha trên trời là Đấng Trọn Lành…
Trước khi ra về mọi người cùng đứng lên múa bài Ba Ngọn Nến và nắm chặt tay nhau hát bài Kinh Hòa Bình.

 -------
Xem hình: TẠI ĐÂY
Xem thêm bài trên tgpsaigon.net: TẠI ĐÂY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét