Nhân dịp lễ thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục tiến
sỹ Hội Thánh, bổn mạng liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Gò Vấp-Xóm Mới-Hóc Môn,
tôi muốn tự “bắt mạch” một vài căn bệnh đang mắc phải.
Về những sự cố nghề nghiệp như nhầm lẫn họ, tên nhân
vật chính, sai thời gian, sai nơi chốn… tôi vấp phải không ít lần. Những lỗi
này, thường sau khi đọc lại bài được đăng tôi sẽ phát hiện ra, hoặc trước đó BBT
đã phát hiện và sửa dùm. Đây là những lỗi
đáng tiếc, mong mọi người thông cảm bỏ qua cho những hạt sạn này.
Ngoài những sự cố, tôi và có thể một số anh chị em
khác nữa còn vướng phải một vài bệnh dưới đây:
- Lật đật: người làm truyền thông, giống người kinh
doanh ở chỗ vội vội vàng vàng. Vội vì sợ
trễ giờ: trễ giờ ăn, giờ đi lễ, giờ đi chơi, giờ tác nghiệp. Đôi khi tôi cũng đến
sớm hơn ai hết, nhưng đa phần là sít sao và trễ. Trễ vì khi đang làm việc dở
dang trên máy tính, đến giờ rồi tôi vẫn cố nán lại ít phút để lưu lại, xếp vào mục
a thư mục b, hoặc ý tưởng có sẵn nhưng chưa kịp viết ra .v.v… Nếu đứng lên bỏ dở
dang ngay tại đó, khi ngồi vào viết lại, phải lần lại từ đầu, hoặc không lần lại
từ đầu cũng mất khá nhiều thời gian mới “nối mạch” được vào chỗ đang viết dở
dang. Xử lý hình ảnh, audio, video thì cũng thế, chưa xong một đoạn mà bỏ dở, đến
lúc làm lại rất mất thời gian. Vì thế, không hiếm lần mặc quần áo quên kéo dây
kéo, đến nhà thờ quên chải đầu, xe đang bon bon thì hết xăng … “Vô tư” như trẻ
nhỏ bởi đầu óc còn mải mê cho bài, cho hình, xin đừng ai trách tôi lật đật.
- Uể oải: lật đật thường dẫn tới mất ngủ, vì cố làm nốt
cho xong, cho kịp nên dẫn đến giấc ngủ bị xâm phạm, mất ngủ khiến người ta uể oải,
chậm chạp. Không ít lần ngồi ghế quạt mát hiu hiu ai cũng nghe cũng hiểu, chỉ
riêng tôi không nghe mà lại gật!
Hai bệnh trên là do yếu tố khách quan, hai bệnh chủ
quan khác là mình mâu thuẫn với ta.
- Cẩu thả hoặc cầu toàn: muốn cho tin được sốt dẻo
nên “dân ta” thường gởi bài đi ngay khi vừa mới viết xong, chằng kịp đọc lại
vài lần để kiểm tra, hoặc cứ làm bừa cho xong, cho có, cố làm lấy được.
Căn bệnh ngược lại là quá cầu toàn chỉn chu, viết
xong rồi không ưng ý nên “dân mình” lại xóa đi viết lại nhiều lần khiến bài tới
được độc giả thì đã trễ, hoặc viết nửa chừng thấy không đạt, bỏ đi loay hoay viết
lại từ đầu, khổ nỗi lần hai lại dở hơn lần đầu! Lúc khác không muốn người đọc
nhàm chán kiểu “mười bài như một” đành bó gối nặn óc để “suy tư”, suy tư mãi rổi
thúc thủ, bó tay chấm com!
- Tự nhiên và tự ti: tự nhiên là không ai mời cũng
ngồi lại ăn, tự ti là có người mời nhưng vác bụng đói về không. Ở lại ăn mà uống
ly bia vào, về dến nhà có nước đi ngủ chứ viết gì được, bụng đói về đến nhà
càng mệt hơn, đằng nào cũng chết! Tự nhiên là không phải đại biểu hay khách mời
cũng ngứa mồm phát biều lung tung, tự ti là có ghế trống mà thích đứng không
dám ngồi.
Dẫu sao làm truyền thông nhà Đạo cũng có an ủi hơn
truyền thông cho báo chí bên đời, vì khi cánh phóng viên ngoài đời đến những hội
nghị để đưa tin, tôi thấy dường như họ thấy những khoảng cách giữa họ với những
thành phần tham dự hội nghị.
Trên đây là một số bệnh tật bên ngoài, còn những bệnh
chưa phát ra thì tôi không thể biết được, chỉ bạn đọc mới chẩn đoán được cho
tôi mà thôi.
Như một liều thuốc, tôi xin được trích một đoạn
trong Sứ điệp cho Ngày Truyền Thông 2015 của ĐGH Phanxi-cô: “Ngày nay các phương
tiện truyền thông hiện đại, vốn là một phần
thiết yếu của cuộc sống, cách riêng đối với những người trẻ, có
thể vừa là sự trợ giúp vừa là một trở
ngại cho việc truyền thông trong gia đình và giữa
các gia đình. Phương tiện truyền thông có thể là một trở
ngại nếu chúng trở thành một phương cách để tránh
né việc lắng nghe người khác, tránh việc giao tiếp cụ thể, để lấp
đầy những khoảnh khắc thinh lặng và nghỉ ngơi, đến độ chúng
ta quên rằng “thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có
thì không thể có được những lời mang đậm ý
nghĩa” (ĐGH BênêđictôXVI, Sứ điệp Ngày Thế giới
Truyền thông Xã hội 2012). Các phương tiện truyền
thông có thể giúp cho việc truyền thông được dễ
dàng khi chúng làm cho mọi người biết chia sẻ câu chuyện đời
mình, giữ liên lạc với bạn hữu ở xa, cảm
ơn hoặc xin lỗi người khác, và mở ra những cuộc
gặp gỡ mới. Khi mỗi ngày mỗi khám phá tầm quan trọng cốt yếu
của việc gặp gỡ người khác, là những “khả năng mới”, chúng
ta sẽ sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan, chứ không để
cho nó thống trị. Ở đây cũng vậy, cha mẹ là những nhà
giáo dục đầu tiên, nhưng không được để mặc họ với các
thiết bị truyền thông. Cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi giúp đỡ họ trong
việc giáo dục con cái làm thế nào để sống trong mộtmôi trường
truyền thông một cách phù hợp với phẩm giá con người
và phục vụ công ích.
Thách đố lớn đối với chúng ta ngày nay là học lại lần nữa cách nói chuyện với nhau, không đơn giản chỉ là cách tạo ra và tiêu thụ thông tin. Đây là khuynh hướng mà các phương tiện truyền thông hiện đại có thể cổ võ. Thông tin là quan trọng, nhưng không đủ, vì rất nhiều khi nó giản lược, đặt các lập trường và quan điểm khác biệt đối lập nhau, và bắt chúng ta chọn đứng về bên nào, chứ không phải có cái nhìn tổng thể.”(Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền Thông 2015, Đức Thành chuyển dịch từ bản Anh ngữ và Pháp ngữ của vatican.va)
Thách đố lớn đối với chúng ta ngày nay là học lại lần nữa cách nói chuyện với nhau, không đơn giản chỉ là cách tạo ra và tiêu thụ thông tin. Đây là khuynh hướng mà các phương tiện truyền thông hiện đại có thể cổ võ. Thông tin là quan trọng, nhưng không đủ, vì rất nhiều khi nó giản lược, đặt các lập trường và quan điểm khác biệt đối lập nhau, và bắt chúng ta chọn đứng về bên nào, chứ không phải có cái nhìn tổng thể.”(Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền Thông 2015, Đức Thành chuyển dịch từ bản Anh ngữ và Pháp ngữ của vatican.va)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét