Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Phẩm giá con người (suy tư)

Loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa ban cho con người đặc ân được làm con cái Thiên Chúa. Điều đó cho thấy phẩm giá con người thật cao quý biết bao.
Những người không tin Thượng Đế cũng phải công nhận con người vượt trên mọi loài, cao nhất trong mọi loài, con người luôn có những phẩm chất vượt trội. Dù không tin Thượng Đế, người ta vẫn nhìn nhận con người là linh thiêng.
Điều đáng buồn là chính con người thời nay lại không tôn trọng nhau đủ, không giúp nhau thăng tiến, không giúp nhau phát triển hài hoà. Họ còn xúc phạm nhau, chà đạp nhân phẩm nhau, đó là một nỗi đau vượt trên mọi nỗi đau. Điều đáng buồn khác là hiện nay vẫn có những chủ thuyết, nhân danh xã hội và nhân danh cộng đồng, để hạ thấp phẩm giá cá nhân.
Tôn trọng con người, trước tiên là bảo vệ mầm sống, bảo vệ thai nhi. Tôn trọng con người trước tiên là yêu quý và giúp đỡ người khuyết tật, cụ già, em bé, người nghèo khổ bệnh tật. Tôn trọng con người, trước tiên là coi trọng và đối xử đúng mực với tù nhân, tội nhân, với người bị khinh chê, bị hắt hủi, bị loại trừ.
-------------------------

Xin đọc lại một một số câu có liên quan đến phẩm giá con người:

 I- Giá trị con người-  Phát biểu của ĐGH tại khoá họp HĐ Toà Thánh CL-HB
    .....
1.     Giá trị con người:
 “Mỗi người đều có giá trị và nhân phẩm vì được Thiên Chúa tạo dựng và cứu độ bằng giá máu của Đức Kitô. Giá trị xứng đáng này không dựa vào tuổi tác, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, nhận thức, trí tuệ, học vị, địa vị, chức quyền, vật chất, tài năng, ngoại hình,... Tất cả chỉ dựa trên giá-trị-con-người. Vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa” ( Sarah Babbs; Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)
2.     Phát biểu của ĐGH tại khoá họp HĐ Toà Thánh CL-HB:
“VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 phê bình những trào lưu hạ giá con người và làm biến thái các quyền con người.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 3-12-2012, dành cho 40 tham dự viên khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình đang tiến hành tại Roma từ ngày 3 đến 5-12-2012 này dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Peter Turkson, người Ghana.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cao giáo huấn xã hội của Hội Thánh như là một điều thuộc về sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và vì thế cũng cần phải coi trọng đạo lý này đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Ngài nói: ”Khi đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người trong đời sống bản thân, và cả trong các quan hệ xã hội, chúng ta trở thành những người mang một nhân sinh quan cũng như quan niệm về phẩm giá, tự do, đặc tính liên chủ thể của con người, được ghi đậm với chiều kích siêu việt theo chiều ngang cũng như chiều dọc... Nền tảng và ý nghĩa của các quyền lợi của con người cũng tùy thuộc một nền nhân loại học toàn diện.”
ĐTC giải thích rằng, trong viễn tượng đó, ”các quyền lợi và nghĩa vụ của con người không phải chỉ có một nền tảng duy nhất là ý thức xã hội của các dân tộc, nhưng trước tiên chúng tùy thuộc luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm mỗi người, vì thế xét cho cùng, chúng tùy thuộc sự thật về con người và về xã hội”.
Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng nhận xét rằng tuy việc bảo vệ các quyền con người đã đạt được những tiến bộ lớn trong thời đại ngày nay, nhưng nền văn hóa hiện thời, chịu ảnh hưởng của cá nhân chủ nghĩa duy lợi ích và một thứ chủ thuyết duy kinh tế do các chuyên gia điều khiển; chúng có xu hướng làm giảm giá trị con người. Con người được quan niệm như một hữu thể ”lỏng” (fluido), không có thực chất trường kỳ. Tuy con người chìm đắm trong một mạng vô biên các quan hệ và thông tin, nhưng điều nghịch lý là con người ngày nay là một hữu thể bị cô lập, lẻ loi, vì dửng dưng đối với quan hệ cấu thành hữu thể người, vốn là căn cội của mọi quan hệ khác, quan hệ cấu thành ấy là quan hệ với Thiên Chúa. Con người ngày nay chủ yếu chỉ được xét dưới khía cạnh sinh học hoặc như một ”tư bản nhân sự”, một ”nguồn lực” trong một hệ thống sản xuất và tài chánh đứng trên nó.”
Trong chiều hướng đó, ĐTC tố giác rằng ”Một đàng ngừơi ta tiếp tục tuyên xưng phẩm giá con người, nhưng đàng khác, các ý thức hệ mới - như ý thức hệ duy lạc thú và ích kỷ về các quyền tính dục và quyền sinh sản, hoặc ý thức hệ của một chủ thuyết duy tư bản tài chánh luật rừng, đè nặng trên chính trị và làm biến thái cơ cấu kinh tế thực sự. Chúng góp phần coi công nhân viên và lao công của họ như những thiện ích hạng nhỏ, và làm băng hoại những nền tảng tự nhiên của xã hội như gia đình”.
Sau cùng, ĐTC cổ võ lập trường đã được Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đề ra, đề nghị thành lập một thẩm quyền quốc tế trong lãnh vực kinh tế, kiến tạo một cộng đồng thế giới, với một thẩm quyền tương ứng, được hướng dẫn nhờ tình thương yêu đối với công ích của gia đình nhân loại”.
Vấn đề này cũng là chủ đề khóa họp hiện nay của Hội Đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Trong số các tham dự viên có có 6 HY, 6 GM và 8 giáo dân thành viên của Hội đồng.
Trong ngày họp đầu tiên các tham dự viên đã nghe Đức Cha Mario Toso, dòng Don Bosco, tường trình về hoạt động của Hội đồng trong thời gian qua.
Trong những ngày kế tiếp, các tham dự viên đặc biệt bàn về đề tài quyền bính chính trị và quyền tài phán hoàn cầu trong viễn tượng kinh tế. Đây là điều các vị Giáo Hoàng gần đây vẫn cổ võ (SD 3-12-2012) (LM. Trần Đức Anh OP 12/3/2012)
-----------

 II- Hỏi đáp về Học thuyết XHCG- Chiều kích tâm linh
.........
3.     Hỏi đáp về Học thuyết XHCG
Dựa vào tài liệu: “The Social Agenda a Collection of Magisterial Texts” với lời giới thiệu của chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Huynhquảng lược dịch và trình bày tài liệu này dưới dạng hỏi thưa, ngắn ngọn:
(11). HTXHCG đề cập đến phẩm giá con người như thế nào?
Phẩm giá con người được biểu lộ trong nguồn gốc và cùng đích của chính mình. Vì được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu độ bằng Máu thánh của Đức Kitô, nên con người được trở thành con Thiên Chúa, là đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, và được chia sẻ đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì lý do này, bất cứ sự xúc phạm nào đến phẩm giá con người đều là sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng con người.
(12). Giáo hội bảo vệ phẩm giá con người như thế nào?
Giáo hội kiên quyết bảo vệ phẩm giá con người dưới mọi hình thức. Nhất là đối với những luồng tư tưởng coi thường phẩm giá con người, và cả những luồng tư tưởng thần tượng hóa con người. Vì không có luật nào của loài người, dù khôn khéo và bảo đảm đến đâu, cũng không thể sánh được với luật Tin Mừng của Đức Kitô mà Giáo hội được ủy thác. Tôn trọng phẩm giá con người là chu toàn luật Tin Mừng của Đức Kitô.
(15). “Tôi muốn là gì thì làm.” có phải là tự do không?
Thưa không. Vì tự do không chỉ là quyền đòi hỏi của mỗi cá nhân, nhưng nó còn là bổn phận đối với người khác. Tôi dùng tự do để phục vụ cho cá nhân và cộng đoàn của tôi, nhưng tôi cũng phải biết tôn trọng quyền tự do của những cá nhân và cộng đoàn khác. Điểm này như đặt giới hạn cho sự tự do, nhưng thật ra nó thật logic và phù hợp với giá trị của sự tự do: vì tất cả chúng ta đều mang tính xã hội. Trong Homily in Baltimore, 1995, ĐGH John Paul II nhấn mạnh: “Mọi người cần phải nhớ rằng: tự do không có nghĩa là chúng ta làm những gì chúng ta thích, nhưng là có quyền để làm những gì chúng ta phải làm”.
Mặt khác, vì quá mãi mê những tạo vật thế gian, có những người đã trở nên mù quáng. Họ đã lạm dụng sự tự do của chính mình, nên họ trở thành một ngục tù giam cầm chính họ. Họ phá vỡ tình huynh đệ và trở nên đối nghịch với sự thật.
(16). Thế nào là tự do đích thực?
Chúa Giêsu đã phán: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Jn 8: 32). Như vậy, điều kiện tiên quyết để có sự tự do đích thực là con người phải gắn liền với sự thật. Vì chỉ trong sự thật thì sự tự do mới được viên mãn. Đồng thời, để có thể tiếp cận được sự thật, con người cần phải tránh mọi kiểu tự do hão huyền, giả tạo. Vì những kiểu tự do giả tạo này sẽ không dẫn ta vào sự thật về con người và về thế giới. (cf. Redemptor Hominis, # 12)
(17). Không có tự do đích thực thì phẩm giá của con người có được tôn trọng không?
Thưa không. Trong thế giới ngày nay, con người dễ dàng lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tự do phóng túng. Nhân danh sự tự do, có nhiều người hành động một cách không có ý thức về luân lý, tức là coi thường phẩm giá con người. Vậy khi chúng ta không có tự do đích thực, nghĩa là chúng ta không sống trong sự thật, thì phẩm giá con người cũng không được tôn trọng. (Huynhquảng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét