Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Mảnh đất tình người


... Truyền giáo ở đây là phải chạy theo họ chứ
                   không thể bắt họ chạy theo mình...
                                                                                        
                                                                                  . An-tôn Lê Tân và các bạn

 Sáng Chúa Nhật 6/3/2011, năm anh em chúng tôi đã khởi hành từ Xóm Mới, Gò Vấp để hướng về phía huyện Cần Giờ, nơi có giáo điểm truyền giáo An Thới Đông. Chúng tôi về thăm những người con thiêng liêng mà chúng tôi đỡ đầu Rửa tội từ những năm trước, nhân đó muốn gặp lại một số người quen biết trước đây.

Người đầu tiên chúng tôi ghé thăm là cha Phan-xi-cô As-si-si H. M. Đ. (CSsR), chính xứ An Thới Đông. Sau khi làm lễ xong, cha vui vẻ tiếp chúng tôi, cha cho biết: “Nhà Mở ATĐ đang chăm sóc 45 em khuyết tật, các em học từ sáng đến chiều mới về nhà, buổi trưa có chỗ ăn nghỉ cho các em. 47 em khác có hoàn cảnh khó khăn hơn thì ở lại luôn trong trường từ thứ Hai đến thứ Sáu.” Chúng tôi nói chuyện, một số số cha chỉ về đây một thời gian rồi lại đi, cha nói: “Mình về đây từ năm 2005, sợ là ở lâu quá hóa nhàm khiến mọi người không thích thôi, là mục tử thì bề trên bảo ở thì ở, bảo đi thì đi, đâu có quản ngại gì.” Biết trong chúng tôi có người làm cộng tác viên truyền thông, cha nói: “Bà con ở đây bây giờ nhiều người có đầu máy video, nếu bên truyền thông có các phim về Kinh Thánh, phim kể chuyện giáo lý hay Thánh ca gởi xuống đây cho bà con xem thì rất tốt, vừa là giải trí vừa giúp họ học hỏi thêm về đạo.”

Nhìn ngôi thánh đường khang trang rộng rãi với số người đi lễ Chúa nhật khá đông, chúng tôi khó hình dung được, trước kia nơi đây chỉ là cánh đồng ngập mặn hoang vu rất ít bóng người, quả thật những việc Chúa làm mới lạ lùng làm sao!

Một trong số những người ghé  vào nhà xứ, sau khi dự lễ Chúa nhật xong là anh Tám E., một tân tòng kỳ cựu nơi miệt Cần Giờ này, chúng tôi và anh Tám vừa uống trà vừa trò chuyện thân tình nơi khuôn viên khoáng đãng của nhà xứ:  

-          Năm nay tôi 53 tuổi bị viêm gan mãn và mấy bệnh mãn tính khác nữa, chỉ còn đợi viêm “mãn đời” nữa thôi. Anh Hai B. gần đây mải lo nuôi tôm nên công việc nhà thờ một mình tôi “bao sân” hết. Nơi này chắc “xương xẩu” nên tròm trèm 10 năm nay có sáu, bảy cha đến rồi lại đi, có cha ở lại có mấy tháng.

Chúng tôi chuyển lời thăm hỏi của cha Chân Tín(*), người có công khai phá mảnh đất này, đến anh và bà con, đồng thời động viên anh cố gắng cộng tác với các cha trong việc mở mang nước Chúa. Anh tiếp tục:

-         Kiếm người đọc sách Thánh cũng khó, họ nhút nhát nên phải khuyến khích họ mới dám đọc, cha già thấy họ đọc vấp nên nhắc phải xem trước để đọc cho đúng cho hay, tuần sau không biết họ có dám đọc tiếp không. Truyền giáo ở đây là phải chạy theo họ chứ không thể bắt họ chạy theo mình. Từ những năm 1999, mỗi Chúa nhật vẫn có các thầy Dòng Chúa Cứu Thế, các xơ dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và các xơ Liên dòng đến giúp, nhưng 3 năm gần đây Liên dòng không đến nữa và cha Giu-se P. K. Đ. xin thêm các xơ ở Chương Dương. Tôi vô đạo được 10 năm, hân hạnh được lo cơm nước cho nhiều thầy và xơ…

Rời nhà thờ, chúng tôi ghé đến nhà anh Hai B., anh họ của anh Tám, thấy chúng tôi anh Hai chân thành bộc bạch:

-         Cũng cả năm nay tôi không đến nhà thờ, hôm rồi cha Phan-xi-cô Đ. có ghé đến nhà thăm, chuyện trò với cha rất thoải mái, bà con ở đây đều quý mến cha. Vẫn biết mình theo Đạo là theo Chúa chứ không phải theo các cha, nhưng đầu óc cứ nghĩ loanh quanh và tôi cảm thấy buồn... Mấy anh biết nuôi tôm thì rất bận bịu, vài giờ mà không ngó đến có khi chết cả bầy, bận vậy nhưng nếu cố thu xếp thì vẫn nhín ra một, hai giờ đi lễ Chúa nhật được, chỉ tại lười và buồn trong lòng nên bỏ cả lễ…

Chúng tôi chỉ biết khuyên anh bỏ qua những chuyện cũ và nói rằng Chúa Giê-su và Mẹ Maria lúc nào cũng đang chờ anh quay lại.
Anh Hai B. là người có nhiều công sức gầy dựng nên giáo điểm, gầy dựng ngôi nhà thờ An Thới Đông thân yêu này. Chúng tôi ôn lại chuyện cũ với anh, khoảng năm 2000, anh em Legio Mariae hạt Xóm Mới xuống giúp bà con làm Hang Đá Giáng Sinh bị chính quyền ghé hỏi thăm, họ không cho các vị khách ngủ ở nhà dân mà bắt ngủ luôn tại nhà thờ để cán bộ canh chừng. Về khuya ngồi nhậu chung, nghe chúng tôi nói chuyện tâm tình, mấy cán bộ nông dân mới tỏ vẻ thông cảm và thân thiện hơn.

Anh Hai nói tiếp:

-         Tôi may mắn được tiếp xúc nhiều với các cha các thầy, một ít thầy còn thiếu sức hút về đạo đức, một số khác chưa hòa nhập với tập quán nơi đây: dân người ta mời rượu, mời thuốc mà mình đều từ chối thì làm sao mà gần gũi với họ được. Không uống được chỉ cần đưa lên miệng nếm một chút rồi đưa lại, thì họ cũng vui lòng. Một số bà con còn hiểu lầm các xơ có phe này phe nọ…

Chuyện anh Hai B. gia nhập đạo là cả một chuyện dài khó tin, ròng rã 10 năm trời, anh cùng anh Tám E. đạp xe vượt mấy chục cây số qua sông qua phà để đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tận quận 3 học giáo lý. Mãi rồi anh cũng được cha Chân Tín Rửa tội, anh không bao giờ quên “bõ” N. D. Tống, người đã đỡ đầu và giới thiệu Chúa cho ông theo.

Lòng bùi ngùi, chúng tôi tạm biệt anh Hai để đến thăm gia đình ông Chín T. ở Rạch Lá, cách nhà thờ ATĐ khoảng 4 cây số. Hai cha con ông Chín đi đốn lá mướn để nuôi 6 người ăn. Bà cụ nhạc ông Chín, năm nay đã 83 tuổi mà vẫn thích làm bạn với cuốc, xẻng, chét, mác để hàng ngày rẫy cỏ, làm đất, trồng cây… Cụ nói: “ Ở không buồn không chịu được.”  Nhờ bán mấy công ruộng nên gia đình ông Chín đã cất được căn nhà mới, nhưng tiền bán ruộng đem làm nhà không đủ, ông phải vay thêm ngân hàng cho đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

Vợ chồng ông Chín và con trai đều đã Rửa tội, nhưng trong nhà ông, ngoài Bàn thờ Chúa, chúng tôi thấy có cả tượng Phật Bà Quan Âm. Người con dâu mới cưới của ông đi làm ở xưởng may gần trên nhà thờ, vẫn chưa Rửa tội và chưa làm phép Chuẩn Hôn phối.

Chúng tôi chỉ giới thiệu ngắn gọn về Chúa Giê-su cho gia đình nghe và khuyên họ cố gắng giữ lễ ngày Chúa nhật.
* * *
Đầu giờ chiều, chúng tôi rời An Thới Đông để đến thăm vợ chồng anh T. ở Doi Lầu, xã Lý Nhơn.
Nếu ở An Thới Đông màu xanh của những dãy dừa nước làm mát mắt khách bộ hành; thì nơi hai bên đường dẫn vào Lý Nhơn này, những cây đước mọc chen nhau thành những vạt rừng kéo dài ra biển. Đá sỏi lởm chởm trên đường đi làm chúng tôi chạy xe máy khá khó khăn. Con đường này được sửa chữa nâng cấp từ cả chục năm trước nhưng hôm nay đi ngang chúng tôi vẫn thấy nhiều khúc đang thi công dở dang.

Anh chị T. khá may mắn vì có mấy công ruộng gần nguồn nước sạch thuận lợi cho việc nuôi tôm sú. Người con trai lớn của anh được gởi đi học tử tế, đứa em còn bé vẫn ở nhà. Căn chòi nuôi tôm của anh ở cách xa nhà Nguyện nên anh chị vẫn chưa lo lắng được cho con học giáo lý để Rửa tội. Ngoài tôm sú nướng mà anh mới vớt ở ao lên, chúng tôi còn được anh chiêu đãi món tôm tích luộc mà anh mới mua lại của mấy người chòm xóm...Vừa ăn anh vừa kể chuyện nuôi tôm thì phải có vốn, có kinh nghiệm và phải trúng giá nữa. Anh cho biết gần đây có những người từ thành phố đi xe hơi đến vùng Lý Nhơn này cất nhà mới để nuôi én (chim yến,) số khác đến giải trí ở khu Du lịch Sinh thái. Anh hy vọng, may ra nhờ họ, đời sống của người dân ở Doi Lầu sẽ khá dần lên…

Khi những tia nắng chiều rọi xuống không còn gắt, chúng tôi lưu luyến chụp vài tấm hình tạm biệt với anh T. để ra về.
Trên đường về, những làn gió biển trong lành làm chúng tôi có cảm giác rất dễ chịu, tôi thấy mọi người có vẻ ít nói, riêng tôi cứ áy náy sao đó về việc giữ đạo của những người mà tôi vừa gặp. Lúc cao điểm trước đây, số người Rửa tội theo đạo một đợt có khi lên tới cả trăm. Việc giữ đạo sau đó khá trắc trở khó khăn khi cha mẹ đỡ đầu hầu hết đều ở xa, tân tòng lại sống chung với những người “lương”, rồi họ phải bươn chải lo kế sinh nhai đầy khắc nghiệt. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và ước mong niềm tin của họ, nhờ ơn Chúa, qua thời gian sẽ bén rễ sâu chắc hơn.
Tôi chợt nhận ra, từ chỗ có nhà thờ có đến chỗ giữ được Đạo và truyền được Đạo là cả một chặng đường đầy khó khăn. Đầu óc tôi lan man nghĩ đến những “cố Tây” ngày xưa, nào địa lý cách trở, nào ngôn ngữ- văn hóa bất đồng, thế nhưng các ngài vẫn đến tận nơi đây để gieo Đạo Chúa vào nơi mảnh đất chữ S xa xôi này. Cảm phục biết bao, tấm lòng của các ngài và cảm phục biết bao, tấm lòng của cha ông chúng ta. Những bậc tiền nhân anh dũng ngày đó đã trải qua biết bao hy sinh- gian khổ để chúng ta có được gia tài Đức Tin hôm nay! Hallelluia!
 -------------------------------

(*) Cố LM Stephano Chân Tín (1920-2012)
  -------------------------

Một số hình chụp
Ngoi truong trong khuon vien nha xu ATD

Mot bien quang cao, gan truong hoc

Mat tien nha tho ATD


Bang luu niem, gan o nha tho ATD

Cha chinh xu ATD
Anh Tam E. (ao trang, dang cuoi)

Nha anh Hai B.

Ba nhac ong Chin T.


Cu gia va nguoi ban hang rong bang xe dap



Duong vao Doi Lau, Ly Nhon
Choi canh tom cua anh T. o Doi Lau


Bo bao nuoi tom cua anh T.


Pha Binh Khanh, phuong tien noi Can Gio voi thanh pho
--------------------------------------------------------------------------------

 (Sửa  và đăng lại vào ngày 8/4/2014)
 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét